Quốc kì là một trong những đặc điểm để nhận ra mỗi quốc gia. Quốc kì của quốc gia nào cũng đều có ý nghĩa riêng của nó. Vậy bạn có biết ý nghĩa lá cờ Trung Quốc là gì không? Cùng Bác Nhã tìm hiểu về quốc kỳ CHND Trung Hoa nhé!
Ý nghĩa lá cờ Trung Quốc
Lá cờ của Trung Quốc được thiết kế có một ngôi sao lớn, với bốn ngôi sao nhỏ hơn trong một vòng cung hướng về phía ngôi sao lớn. Nó đã trở thành lá cờ quốc gia của Trung Quốc kể từ 01 tháng 10 năm 1949.
Màu đỏ lá cờ tượng trưng cho Cách mạng Cộng sản Trung Quốc và năm ngôi sao thể hiện sự đoàn kết của nhân dân Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Lá cờ lần đầu tiên được Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa treo trên cột cờ nhìn ra Quảng trường Thiên An Môn của Bắc Kinh vào ngày 1 tháng 10 năm 1949, tại buổi lễ tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Ai là người đã thiết kế ra lá cờ Trung Quốc
Vào ngày 4 tháng 7 năm 1949, nhóm công tác thứ sáu của Ủy ban trù bị của Hội nghị Hiệp thương Chính trị mới (新政治協商會議 籌備會) đã ra thông báo để đệ trình các thiết kế cho quốc kỳ.
Thông báo này đã được đăng trên mặt báo cùng các yêu cầu đối với quốc kỳ:
- Đặc điểm của Trung Quốc (địa lý, dân tộc, lịch sử, văn hóa, v.v.)
- Đặc điểm quyền lực (chính quyền dân chủ nhân dân, do giai cấp công nhân lãnh đạo và dựa trên liên minh công nhân – nông dân)
- Hình dạng phải là hình chữ nhật và tỷ lệ chiều dài-rộng phải là 3: 2
- Màu sắc chủ yếu phải là màu đỏ tươi (bản thảo ban đầu của thông báo có màu đỏ sẫm, nhưng màu này đã được Chu Lai đổi thành màu đỏ tươi ).
Khi đó có một người tên Tăng Liên Tùng, đến từ Ôn Châu, Chiết Giang, đang làm việc tại Thượng Hải muốn tạo ra một thiết kế cờ để thể hiện lòng nhiệt thành yêu nước của mình.
Cảm hứng thiết kế của ông từ việc quan sát cách các ngôi sao tỏa sáng trên bầu trời đêm. Ông xem ĐCSTQ là vị cứu tinh vĩ đại của nhân dân Trung Quốc, được tượng trưng bởi ngôi sao lớn nhất của lá cờ. Trong lòng ngôi sao có hình ảnh búa và liềm thể hiện yêu cầu về liên minh công nhân – nông dân. Bốn ngôi sao nhỏ đại diện cho bốn tầng lớp xã hội: Trí thức, Nông dân, Công nhân, Thương gia. Màu vàng ngụ ý rằng Trung Quốc thuộc về người Trung Quốc, một “chủng tộc da vàng”.
Vào sáng ngày 23 tháng 9, các đại diện của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) đã thảo luận về các lá cờ gửi đến, nhưng không đi đến kết luận. Một số không thích biểu tượng mà ông gắn với bốn ngôi sao nhỏ hơn, và cho rằng không nên có giai cấp tư sản.
Thiết kế mà Mao Trạch Đông và những người khác yêu thích có một ngôi sao vàng khổng lồ ở góc trên lá cờ đỏ có thanh ngang màu vàng tượng trưng cho dòng sông Hoàng Hà. Nhưng thiết kế này đã bị phản đối, thanh vàng tượng trưng cho việc Trung Quốc bị chia cắt làm hai.
Sau đó, thiết kế của ông tiếp tục được đề xuất đến thủ tướng Chu n Lai. Thủ tướng hài lòng và yêu cầu sửa đổi. Qua rất nhiều các cuộc bàn luận, quyết định cuối cùng là hình ảnh chiếc búa và liềm bị loại bỏ vì nó giống với Quốc kỳ của Liên Xô.
Vào ngày 27 tháng 9 năm 1949, thiết kế sửa đổi của ông đã được Phiên họp toàn thể lần thứ nhất của CPPCC nhất trí lựa chọn.
Vào ngày 29 tháng 9, lá cờ xuất bản trên tờ Nhân dân Nhật báo. Lá cờ chính thức được công bố và giương cơ lần đầu tiên bởi Mao Trạch Đông ở Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 01 Tháng 10 1949.
Lá cờ đầu tiên bay trên Quảng trường Thiên An Môn được may bởi Triệu Văn Thụy (赵文瑞), một thợ may đã hoàn thành nhiệm vụ vào khoảng 1 giờ chiều ngày 30 tháng 9.
Tăng Liên Tùng đã chính thức được Văn phòng Chính phủ Nhân dân Trung ương chúc mừng với tư cách là người thiết kế lá cờ và nhận được 5 triệu nhân dân tệ cho bản thiết kế lá cờ của mình.
Hi vọng thông qua bài viết, các bạn đã thêm nhiều kiến thức về văn hóa Trung Quốc, hỗ trợ hữu ích cho quá trình học tập của mình nhé!